Nguyễn Trọng Tạo: BÓNG ĐÁ VÀ NHÀ THƠ
Cái việc 22 người tranh nhau một trái bóng trên sân thì không ai là không biết. Từ những trận đá cầu trong sách Thủy Hử đến luật bóng đá sinh ra từ xứ Ăng-lê thì đến trẻ con bây giờ cũng đã thuộc làu. Có đứa trẻ ở ta còn thuộc hết cả tên tuổi những cầu thủ bên Tây trên sân cỏ ti-vi, xướng lên vanh vách từ chiến công đến thói hư tật xấu của cầu thủ mà hắn yêu thích, chẳng thua gì mấy ông thuyết minh bóng đá. Thế mới biết bóng đá thời nay đã đi sâu vào máu của người ta, nó làm xáo động đời sống thường nhật, nó kích động niềm say mê cuồng nhiệt của toàn thế giới. Bởi nó là môn “thể thao vua”, nó sinh ra những “vua bóng đá” và cả những “tội đồ bất đắc dĩ”. Nó không chỉ là niềm vui nỗi buồn của cầu thủ, ông bầu, quốc gia này quốc gia nọ mà còn là niềm vui nỗi buồn “của tôi”, một người chưa hề đá bóng bao giờ.
Tuổi thơ
Nói đúng ra thì hồi nhỏ tôi cũng đã một lần vào “sân bóng”. Cái mùa bưởi năm ấy, mấy đứa trẻ trong làng ôm một quả bưởi đến sân nhà tôi chia phe đá bóng bưởi. Vì lẻ người nên tôi được chiếu cố mời vào tham chiến. Tôi chạy mãi trên sân mà chân chẳng bao giờ chạm bóng. Bỗng uỵch một cái làm tôi ngã lăn trên sân, ôm chân kêu khóc. Đối thủ đá không trúng bóng mà trúng vào chân tôi. Tôi được khiêng lên thềm nhà, bàn chân đau tê dại. Cứ tưởng là chân đã bị gãy, may sao chỉ mới bị bong gân. Tôi phải nghỉ học nằm nhà mất cả tuần mới khỏi. Từ đó, hễ bọn trẻ trong làng rủ đá bóng là tôi đánh lảng. Có lẽ vì thế mà tôi chẳng bao giờ trở thành cầu thủ bóng đá. Nhưng mà tôi vẫn thích xem đá bóng. Một lần đang đi công tác ở Sài Gòn, tôi nhận được cú điện thoại của một anh bạn rủ ra sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam – Thái Lan tranh giải SEA Games 22. OK! Thế là bay ra. Chuyến bay của Hàng không VN bị trễ khiến tôi phải ôm cả va li lên taxi về thẳng sân Mỹ Đình. Anh bạn của tôi sốt ruột gọi điện liên hồi. Khi chúng tôi gặp nhau ở cổng sóat vé thì tiếng còi khai cuộc cũng bắt đầu. Khi vào được vị trí xem, anh bạn tôi thở phào, phán một câu thật dễ chịu: Ông đúng là một nhà thơ!
Trong giới nhà thơ chúng tôi không ít người mê bóng đá. Trong các mùa World Cup, nhà thơ Anh Ngọc không bỏ trận nào, lại còn lên cả tivi bình luận trực tiếp ngay sau trận đấu lúc ba bốn giờ sáng. Nhà thơ Thanh Thảo thì không ngày nào không viết về bóng đá cho các chuyên mục thể thao trên các báo trong nam ngoài bắc. Có lúc trong cuộc nhậu, anh đã kê giấy lên lưng bạn mà viết bài rồi cho xe ôm ôm bài đến tòa soạn. Lại có đêm cả thị xã Quảng Ngãi của anh bị mất điện, vậy mà sáng hôm sau vẫn thấy báo đăng bài của anh bình luận về “Trận đấu trong mơ” xảy ra đêm qua tận chốn trời Tây. Hóa ra anh phải “xem” trận đấu ấy qua điện thoại với một anh bạn nhà thơ đang ở Sài Gòn. Kể cũng ít ai mê bóng đá kiểu Thanh Thảo. Thì mỗi người mỗi kiểu, có sao đâu. Tôi cũng đã đeo đuổi hơn nửa mùa World Cup viết gần hai chục bài báo, mà phải viết ngay sau trận đấu lúc nửa đêm về sáng rồi fax đến tòa soạn (thời nhà chưa mối Internet). Chưa qua 20 đêm mà người cứ mệt phờ, râu ria sáng nào cũng phải dùng bàn cạo. Mệt quá, tôi đành “ngưng bút” khiến ông chủ báo mếch lòng đôi chút. Nhưng nào có “ngưng bút” được. Một loại cảm xúc khác lại đến. Cảm xúc thơ. Thế là làm thơ. Nhiều nhà thơ ta đã làm thơ về bóng đá hơn vài chục năm qua. Đấy là một “cái mới” trong thơ ta sau chiến tranh. Từ thơ đánh trận đến thơ bóng đá là một bước chuyển đổi cũng nên ghi nhận. Thiển nghĩ, nếu các nhà thể thao quan tâm đến thơ có thể cho xuất bản một tập Thơ Bóng Đá dày dặn, và phát hành trong các mùa giải thì tin chắc nghệ thuật bóng đá sẽ phát triển theo chiều hướng thơ hơn. Bởi các nhà thơ không phải là các nhà tường thuật bóng đá, mà họ thường rút ra những triết lý cuộc đời từ bóng đá, kiểu “bóng đá – đừng đá nhau” như nhà thơ Nguyễn Duy đã từng làm. Vâng, đúng thế. Tôi đã có lần ngồi lại trước sân cỏ cho đến cuối cùng sau trận “Địch thắng – Ta thua” và thấy thương cỏ vô cùng. Bài thơ Cỏ trên sân bóng đã ra đời sau đó:
Tôi thấy tôi là cỏ trên sân bóng
Đẩy đầu anh lên cao, cao hơn mọi cái đầu
Khi anh ngã sõng soài tôi thấy tôi là cỏ
Xoa dịu vết thương anh như có phép nhiệm mầu
Quả bóng bay đi quả bóng lại bay về
Được dày xéo tôi thấy mình hạnh phúc
Được ôm hôn tôi muốn trào nước mắt
Cỏ hồi hộp mừng vui, cỏ thầm lặng tái tê
Trong chiến thắng anh có nghe tôi hát
Tôi phất cao muôn vạn lá cờ xanh
Trong chiến bại anh có nghe tôi khóc
Trận mưa đau dâng ngập cả khung thành
Theo anh mãi cho đến ngày chung cuộc
Nếm đủ vị đắng cay nếm đủ vị ngọt ngào
Rồi mùa bóng qua đi anh giã từ sân cỏ
Chỉ còn tôi hoang lạnh dưới trăng sao…
Có những mùa giải qua đi, tôi bỗng thấy thương những ngôi sao sân cỏ, những cầu thủ cả thế giới đều hâm mộ. Ấy là những tài năng luôn được đối phương cảnh giác, kèm cản. Điều ấy không chỉ xảy ra riêng đối với bóng đá. Ở nhiều lĩnh vực khác đã có không ít những tài năng bị “đốn” thành tật. Và khi những ngôi sao bị khiêng ra khỏi sân, trận đấu bỗng trở nên tẻ nhạt vô cùng. Cái cảm xúc buồn ấy đã mang đến cho tôi bài thơ khá tâm đắc – bài thơ có tên Là Ngôi Sao:
Là Ngôi Sao anh luôn bị bao vây
Bị kéo áo huých tay bị đốn sau cản trước
Mang hàng chục vết thương anh vẫn làm bão lốc
Là Ngôi Sao sân cỏ hóa bầu trời
Anh đi qua đàm tiếu của người đời
Anh bỏ lại những vinh quang huyền thoại
Những đỏng đảnh đón đưa những ra giá chào mời
Không rực sáng không thể nào tồn tại
Là Ngôi Sao cô đơn từ vạn đại
Lắm người yêu rốt cuộc chỉ đau buồn
Khi cú sút penalty thất bại
Là Ngôi Sao – anh đào sẵn mồ chôn
Chỉ đến lúc lặng im toàn thế giới
Trong đêm đen thèm đục thủng bầu trời
Ta lại thấy những Ngôi Sao dưới cỏ
Cứ bay lên định vị những Con Người…
Thì ra cái việc “tranh nhau một quả bóng” đâu chỉ là việc của 22 cầu thủ. Nó còn là việc của các nhà thơ. Là một nhà thơ yêu bóng đá tôi thích những cuộc Chơi Đẹp, bởi bóng đá cũng như cuộc đời vậy, không một ai thích mình bị đá.