Nét mới trong ngày hội Văn hóa các dân tộc Lâm Đồng
chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Ths.Trần Thanh Hoài
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng
Từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 10 năm 2010, tại thị trấn Đinh Văn huyện Lâm Hà, đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ “những ngày văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng”. Đây là một sự kiện văn hóa cấp tỉnh nhằm mục đích chào mừng thành công đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long –Hà Nội.
Với sự chuẩn bị công phu của 12 đoàn nghệ nhân, già làng đến từ 10 huyện, thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc, ngày hội văn hóa các dân tộc Lâm Đồng là một trong những chương trình trọng điểm để lại dấu ấn lớn cho tất cả mọi người khi về dự hội. Khác mọi năm, chương trình lần này được lồng ghép liên hoan ẩm thực, trình diễn cây nêu, múa xoang đều được diễn ra trong cùng một bối cảnh, không gian chung, tất cả như một bữa tiệc văn hóa đậm chất Tây nguyên hướng về đại lễ. Trước Lễ khai mạc tối ngày 01/10 với những nét riêng của văn hóa Hà Nội là chương trình ẩm thực các món ngon Hà Nội, các đoàn đã mang về ngày hội những cung bậc đa sắc màu của văn hóa sông Hồng, những góc quán tre liêu xiêu bày bán dăm miếng kẹo lạc, thuốc lào, bánh đậu xanh với cô bán hàng rong quần đen áo nâu duyên dáng trong tiếng mời chào như vũ khúc đồng quê chứa chan kỷ niệm, dạt dào sâu lắng của hồn quê kẻ chợ làm dịu đi những lo toan của cuộc sống thường nhật. Khó có thể hình dung được là số lượt người đến với chương trình ẩm thực lại đông đến thế, người mua đến để xem và.. mua thật, người bán đến trình diễn và… bán thật làm cho không khí của ngày hội thật tưng bừng.
Theo dự kiến của Ban tổ chức, chương trình cồng chiêng sẽ được bắt đầu bằng lễ xin lửa từ Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của huyện Lâm Hà, sau đó là hành trình carnaval của các đoàn về tại sân khấu chính, tại đây sẽ tổ chức Đêm lửa nghe chiêng theo đúng truyền thống của đồng bào Nam Tây nguyên. Tuy nhiên, do trời mưa quá to, chương trình không thể thực hiện như kế hoạch ban đầu. Đây là một điều đáng tiếc ngoài ý muốn của Ban tổ chức và các đoàn về dự.
Các trò chơi dân gian Nam Tây nguyên là một phần không thể thiếu của ngày hội lớn, nếu như, trước đây Ban tổ chức cho thi đấu các trò chơi như: đẩy gậy, kéo co, lấy nước bằng quả bầu, thì nay tất cả các trò chơi được tổ chức trên mặt nước tạo nên một không khí thật dân dã, sảng khoái. Với các trò chơi như : chuyển lương qua sông, chèo bè, bắt cá.. tái hiện lại những hoạt động kiếm sống của đồng bào dân tộc bản địa Nam Tây nguyên xưa qua sự thể hiện của các chàng trai cô gái K’Ho, Châu Mạ, Chu Ru, Mơ Nông đã thực sự làm xúc động những người dự khán và cả người tham gia. Mặt hồ nước xanh ngắt trước quảng trường của huyện Lâm Hà như dậy sóng bởi những trang phục đầy sắc màu của các “vận động viên” đến từ các buôn làng xa xôi; những cánh tay trần vạm vỡ khỏe khoắn của chàng trai cao nguyên như khắc dấu trong buổi sáng mùa thu Lâm Hà lộng gió.
Lễ hội văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng được tổ chức hàng năm gắn với việc kỷ niệm ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) nhưng vào những ngày này Lâm Đồng vẫn đang trong thời điểm giao mùa, mưa gió thất thường, nên chăng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho dời thời gian tổ chức vào tháng 4 hàng năm nhân dịp kỷ niệm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước để các hoạt động được diễn ra thuận lợi và trọn vẹn hơn../