Ông quê ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sinh vào giờ thìn, ngày 10 tháng giêng năm Kỷ Mão tức ngày 28 tháng 02 năm 1939, tại Đăk Lak, mất cuối giờ Ngọ ngày 01 tháng 4 năm 2001 tại thành phố Hồ Chí Minh, an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa, chùa Quảng Bình, tỉnh Bình Dương.
Trịnh Công Sơn là hội viên hội Nhạc sỹ Việt Nam , nguyên Phó Tổng biên tập tập san Thế Giới âm nhạc (Hội Nhạc sỹ Việt Nam ). Năm 1943 từ Đak Lak ông theo gia đình chuyển về Huế. Học trường tiểu học Nam Giao (nay là trường Tiểu học Trường An), vào trường Pellerin, theo học trường Thiên Hựu (Provindece). Học trường Sư phạm Quy Nhơn khóa 1 (1962-1964). Lên dạy học tại một trường Tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau 1965 thì bỏ hẳn nghề dạy học về sống và sáng tác tại Sài Gòn. Từ sau 1975 ông về sống ở Huế và hoạt động sáng tác tại Hội Văn nghệ một thời gian khá dài rồi trở lại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài âm nhạc, tác phẩm của ông còn nhiều thể loại thuộc các lĩnh vực như: thơ, văn xuôi, truyện ngắn, tản văn, hồi ức..và hội họa.
Ca khúc đầu tiên “ướt mi” sáng tác năm 1958. Các tuyển tập và các ca khúc nổi tiếng Ca khúc da vàng, Khói trời mênh mông, Kinh Việt Nam, Những bài ca không năm tháng, Tuổi đá buồn, Huyền thoại Mẹ, Một cõi đi về, Hạ Trắng, Em còn nhớ hay em đã quên. Ông được giải đĩa vàng 1972 ở Nhật Bản với bài ‘Ngủ đi con” (trong Ca khúc da vàng) phát hành trên 02 triệu bản.
Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển Bách khoa Pháp “ Encyclopedie de tous les pays du mongde” (Coll.Les Millions).
“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”
Tình yêu trong thơ của ông nhiều khi thật dữ dội, được miêu tả với một cách thức đầy bất ngờ và hình tượng:
"Hãy yêu nhau đi cho rừng thay lá
...Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi" (Hãy yêu nhau đi)
Nhưng rồi “ từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, còn lại thi nhân đau đáu với vết thương đã “khô” mà không lành hẳn
“ Tình ngỡ đã quên đi,
Nhưng lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm
Bỗng về quá thênh thang”
Ngôn ngữ thơ của ông đạt đỉnh cao của nghệ thuật tiếng Việt, có lẽ sau Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Cao Xuân Hạo, hồn Việt trong lời thơ của ông luôn thấm đẫm bởi một người biết mình đang làm gì với cái dòng sông ngôn từ ngồn ngộn chảy; điều làm nhạc và thơ Trịnh Công Sơn sống mãi với một tình yêu lớn lao của công chúng dành tặng cho ông đó chính là chất liệu dân ca luôn bảng lãng, lúc hiện lúc mờ, trong những câu lục bát :
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
... Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ( ở trọ)
Hoặc những câu bốn chữ, năm chữ
..Nụ cười mong manh
Một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm
Một hồn giấy mới (đoá hoa vô thường)
Hay:
Em đi qua chuyến đò
Thấy con trăng nằm ngủ
Con sông là quán trọ
Và trăng tên lãng du ( Biết đâu nguồn cội)
Thơ của ông cứ cuộn lấy giai điệu đến mức buộc người nghe phải cảm, phải thấm. Không bất ngờ, khi người Việt Nam nghe nhạc hòa tấu không lời của ông, gần như chỉ nhớ đến ca từ chứ không phải là giai điệu. Nhạc sỹ Phạm Duy thừa nhận “ so với tình khúc của ba bốn chục năm qua , ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới, chất chứa những hình ảnh lạ lùng, quyến rũ như cơn mưa hồng, thủa hồng hoang, dấu chân địa đàng, cánh vạc bay”. Hình ảnh người tình trong thơ của ông thật mong manh và sương khói:
"Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi" (Như cách vạc bay)
Hay “ Em gầy ngón dài, lời ru miệt mài” (Tuổi đá buồn)
"Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai" (Đóa hoa vô thường)
Gía trị đích thực của thơ ca nằm ngoài văn bản. Nét đặc thù của thơ ca là thiên về cảm xúc, sự dồn nén. Gía trị hình thức phi văn bản không hơn gì nhạc tính của nó. Đọc một câu thơ, thì chìa khóa mở lòng ta là những âm điệu của vần. Bởi cái gọi là “nhạc là do âm sinh ra”, nghĩa là giá trị của vần đó được thi nhân khéo léo xếp theo một giai điệu riêng của mình. Sự dồn nén được lột tả như thế nào còn lệ thuộc vào các gam màu tối, sáng của tính nhạc đó. Paul Verlaine không phải vô tình khi nói “âm nhạc có trước mọi sự”. Trịnh Công Sơn đã làm điều đó một cách “ như là vô tình” đến tuyệt đỉnh “ Em đứng lên gọi mưa vào hạ” đến các tên gọi “ Diễm xưa, Hạ Trắng, Tuổi đá buồn, Dấu chân địa đàng, Vết lăn trầm” cất lên đã là đầy nhạc tính. Trịnh còn vẽ lên trong ca từ những hình ảnh mà ta ít bắt gặp “ loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” “ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương” “ chiều đã đi vào vườn mắt em”, hoặc những kết hợp khá lạ lùng: “vàng phai nhè nhẹ, chiều hôm của nhà”, ‘thương cho người rồi lạnh lùng riêng”.
Tình yêu đối với ông là một thứ linh vật “thiêng”, là tô tem cao cả, là văn hóa tâm linh, chỉ để chiêm bái bằng thị giác, cảm giác hơn là để chiếm đoạt, sở hữu. Tình đối với ông đẹp một cách thanh tao, người viết còn nhớ trong một hồi ức của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kể lại việc Trịnh Công Sơn đã cưới vợ vào năm 26 tuổi (vũ nữ Thanh Thúy); đêm tân hôn, Trịnh Công Sơn bỏ chạy theo Đinh Cường và Hoàng Phủ với câu nói “ tự dâng một mình đứng trước một người phụ nữ, mình hoảng quá không biết làm sao, thôi, chạy luôn cho nó khỏe”.
"Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt"
Thân phận trong thơ của Trịnh Công Sơn là mỗi ám ảnh chập chờn của kiếp người bé nhỏ trong cái thăm thẳm của vũ trụ:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi”
Một câu nói trong kinh thánh (Kinh cựu ước) “ rồi cát bụi cũng về với cát bụi’ được Trịnh đưa vào thi ca như một triết lý cho đời sống đang hiếm dần đi những sẻ chia, sự khoan dung và nó luôn đúng trong mọi thời đại. Thân phận ấy bé nhỏ nhưng không tuyệt vọng:
“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng/..Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” ( Tôi ơi đừng tuyệt vọng)
Chất thiền trong thơ của Trịnh đã lộ rõ trong trường ca ( bài hát dài đến 10 phút, chúng tôi cho rằng đây là một trong những bài dài nhất của ông, trước đó có Trường ca Dã Tràng) “Đóa hoa vô thường”. Trịnh Công Sơn đã từng viết “ đêm đêm tôi ngước nhìn lên bầu trời để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến để biết về sự kiên nhẫn” biết thân phận biết về hồi kết của một kiếp người và sống với nó với một tinh thần “không có ngày mai” trân trọng từng giây phút một bởi cuộc đời này quá đẹp, quá đáng yêu, ông mong mọi người “ hãy thả trôi đi những tỵ hiềm” để cuộc đời là những đoá hoa quỳnh trong trẻo ngát hương cho người đời tắm gội.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng Nhật Nguyệt” (Một cõi đi về)
Có người bạn giải thích với chúng tôi về hai chữ Nhật và Nguyệt nếu ghép lại theo cách Hán tự thành chữ Minh ( nghĩa là trong sáng, trí tuệ), đời người có được chữ Minh trên hai vai quả là cũng đáng sống cho một kiếp luân hồi. Có thể ở với cách hiểu như trên, bài thơ đã chuyển sang một trạng huống khác khi tiếp nhận tác phẩm, bởi người đọc tự cảm, tự giải thích và không cần hiểu tác giả có nghĩ thế hay không, Những lời thơ ấy đã được hát lên bằng nhạc của chính tác giả, nó bỗng là những câu “kinh “ bất hủ. Và người ta nói thơ của ông là những bài kinh cầu bên bờ vực thẳm về thân phận và tình yêu.
“Không có đâu em này / Không có cái chết đầu tiên
Nào có đâu bao giờ / Không có cái chết sau cùng” (Ngẫu nhiên)
Người nghe thấy mâu thuẫn hay không cũng phải mỉm cười và bổng ngộ ra được tính phi lý của sự đối nghịch trước sau. Bản thể và hư vô , ai có thể định nghĩa được hư vô, Khổng tử còn phải băn khoăn “nước trôi mãi thế ư?”. Trịnh Công Sơn đã đúc kết cho mình một cái nhìn “phù du” về cuộc sống, một cái lẽ vô thường của đời người, để từ đó “chất Thiền” đã bàng bạc trong một số tác phẩm của ông cho đến khi “chập chờn lau trắng trên tay” (Cỏ xót xa đưa) và đến lúc “ người hết buồn, đã hết buồn.. người lặng nghe đá lên trong mình” (Du mục), để “ mai hồng ngồi nhớ thiên thu”
Xuyên suốt trong thơ của Trịnh Công Sơn vẫn là một chữ tình mênh mông, siêu thực mà giản dị, sang trọng mà gần gũi đến bất ngờ. Dù là phản chiến, thân phận, quê hương hay tình yêu thì vẫn là một trái tim cháy bỏng của thi nhân muốn dâng hiến cho Tổ quốc tất cả những gì chắt chiu trong lồng ngực của mình, để mong một ngày “hòa vào cát bụi” điềm nhiên như ngày nghệ sỹ đã sinh ra. Đó không chỉ khát vọng của riêng Trịnh Công Sơn mà của những người làm sáng tạo nghệ thuật chân chính. Tuy nhiên với Trịnh Công Sơn, đã được hậu thế yêu thương bằng chính cách thức mà ông đã sống và viết.
(Trích Tiểu luận của Trần Thanh Hoài, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bóng đá Phù Đổng - Đà Lạt)